-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Hoa Sen
Hoa Sen vốn chẳng còn xa lạ với bất cứ ai là người con xứ Việt bởi loài hoa này là biểu tượng của Việt Nam. Từ xưa đến nay, Sen xuất hiện ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn, từ đời thực đến tranh vẽ. Thế nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc và ý nghĩa của loài hoa này.
Đặc điểm của hoa Sen
Cây Sen thuộc loài thực vật thủy sinh, sống lâu năm. Chúng có thân rễ nhiều nhánh, hình trụ thon dài khoảng 3m, mọc từ củ sen và đâm sâu dưới bùn. Thân cành của Sen dài khoảng 0,5 – 1,5m. Củ Sen được hình thành bởi thân rễ phình to, có hình dùi trống, màu nâu vàng. Thân rễ được gọi là ngó sen, hình ống, trong có nhiều lỗ khí tạo thành các rãnh, ngó Sen màu trắng, có chồi mầm mọc ở đầu ngọn.
Lá Sen mọc trên cuống dài vươn lên trên mặt nước. Cuống lá mọc từ thân rễ, dài khoảng 1 – 1,5m và có nhiều gai nhỏ. Phiến lá to bản hình khiên với đường kính khoảng 60 – 70cm, bề mặt có gân tỏa thành những vòng tròn. Lá Hoa Sen màu xanh mướt, không thấm nước và xung quanh viền lượn sóng mềm mại.
Sen có hoa mọc trên cuống dài giống như lá. Khi nở rộ, hoa tỏa ra nhiều lớp cánh đan xen xếp chồng lên nhau. Cấu tạo hoa Sen rất đặc biệt, bao gồm cánh hoa, bao phấn, nhụy hoa Sen, lá noãn, đài hoa Sen, gương Sen. Cánh hoa Sen có hình dáng giống chiếc thuyền úp chồng vào nhau. Hoa có nhiều gam màu nhưng phổ biến nhất là màu hồng và trắng.
Hoa Sen có nhiều màu như: hồng, trắng, xanh, tím, đỏ...
Tác dụng của hoa Sen
Hoa Sen thường được trồng trong các ao, đầm để tạo cảnh quan đẹp. Những nơi này vào mùa hoa nở sẽ trở thành địa điểm chụp ảnh lý tưởng cho mọi người. Thế nên, vào mùa hè người ta thường đua nhau tìm đến những ao đầm sen khi hoa nở rộ để lưu lại những bức hình hoa sen đẹp nhất.
Không những thế, Sen còn được trồng làm tiểu cảnh sân vườn trang trí trước sân nhà, ban công, công ty, nhà hàng, khách sạn, các quán cà phê,… Sen thường được trồng trong các chậu xi măng, chậu sứ và được trưng bày ở nhiều không gian không chỉ tạo cảnh quan đẹp, tràn đầy sức sống mà còn tạo cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng cho mọi người.
Ngoài ra, mọi người còn thường cắm hoa Sen nghệ thuật. Sau khi được ngắt cành, những cành hoa tươi ấy người ta sẽ cắm thành những bình hoa nghệ thuật để trưng trên bàn thờ hay những không gian đặc biệt như các nơi có kiến trúc nghệ thuật cổ điển.
Ngoài giá trị làm cảnh, tất cả các bộ phận của cây hoa Sen từ hoa, lá, củ, hạt Sen, ngó Sen,… còn được sử dụng làm nguyên liệu để chế biến ra những món ăn ngon và bổ dưỡng. Chẳng hạn như: củ Sen, hạt Sen làm được nhiều món ăn mặn và ngọt, lá Sen phơi khô hãm nước uống hoặc có thể nấu soup, cánh hoa, lá Sen, tua Sen dùng làm salad, hạt Sen làm nhân bánh, nấu chè, ngó Sen chế biến gỏi, làm nộm, nấu canh, nhụy Sen ướp trà…
Cách trồng hoa Sen
Có hai vụ chính để trồng Sen là khoảng tháng 12 – 1 và tháng 5 – 7. Khi trồng loài hoa này thì việc thiết kế hồ và chuẩn bị đất rất quan trọng. Hồ sâu thích hợp ở đất có địa hình cao, nếu địa hình thấp cần có bờ bao giữ nước. Lớp đất mặt cần có độ tơi xốp. Dưới đáy hồ cần được bằng phẳng, giữ nước bằng lớp đất sét nhưng không được quá dày. Có thể tiến hành bón vôi cho đất trước khi trồng, đặc biệt nếu là đất phèn.
Ý nghĩa của hoa Sen
Sen là một loài hoa mang rất nhiều những ý nghĩa đặc biệt và vô cùng tốt đẹp. Sen là loài hoa của Phật, nên chúng tượng trưng cho sự thanh tịnh nơi chốn tâm linh. Thế nên hoa Sen thường được dâng lên thờ cúng các vị thần linh. Cũng chính vì thế mà hoa Sen còn được coi là biểu tượng của đức hạnh, từ bi và trí tuệ. Chúng thể hiện một tâm hồn thanh khiết, những phẩm chất thánh thiện và tinh khôi. Hơn nữa, hoa Sen Phật giáo còn đại diện cho những con người có lòng yêu thương cao cả, sự nhân ái, khoan dung và cao thượng.